HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT
Lc 2,41-52
1. Đọc Lc 2, 41-42. Bạn nghĩ gì về lòng đạo đức của cha mẹ Đức Giêsu qua đoạn Phúc âm này?
2. Đọc Lc 2,46-47. Bạn có nghĩ Đức Giêsu năm 12 tuổi là một thần đồng không? Ngài có phải là một bậc thầy không? Ngài có cần học không? Đọc thêm Lc 2,40.52.
3. Đọc Lc 2,48. Bạn nghĩ gì về phản ứng của Đức Mẹ khi gặp thấy Con mình trong Đền thờ?
4. Đọc Lc 2,49. Câu trả lời của Đức Giêsu vén mở cho ta thấy điều gì về con người Ngài?
5. Cậu bé Giêsu có phải là đứa con bướng bỉnh khi sống với cha mẹ ở mái nhà Na-da-rét không? Đọc Lc 2,51.
6. Đọc Lc 2,52. Cậu Giêsu lớn lên về những mặt nào? Cậu có lớn lên một cách quân bình không?
7. Luca 2,40 và Luca 2,52 có những điểm tương đồng không?
8. Đọc Lc 2,19 và Lc 2,51. Mẹ Maria thường có thái độ nào khi gặp một biến cố khó hiểu?
CÂU HỎI SUY NIỆM:
Qua đoạn Phúc âm này, bạn học được gì nơi Thánh Gia? Bạn học được gì nơi thái độ của Đức Maria, nơi thái độ của Cậu Giêsu năm mười hai tuổi? Theo bạn, các gia đình ngày nay thiếu trầm trọng điều gì?
PHẦN TRẢ LỜI
Luật Mô-se buộc mọi người đàn ông trưởng thành phải lên Giêrusalem dự lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần và lễ Lều (Xh 23,17; Đnl 16,16). Cậu Giêsu, mười hai tuổi, đã đến tuổi phải giữ luật này. Đúng ra Đức Mẹ không phải lên Giêrusalem. Chuyến hành hương lên Đền thờ hàng năm của Thánh Gia biểu lộ lòng đạo đức. Con đường từ Nadarét lên Giêrusalem dài hơn 120 km, khó đi vì phải lên núi.
Cậu Giêsu năm mười hai tuổi là một cậu bé thông minh đĩnh ngộ, khiến các vị thầy phải “kinh ngạc về trí khôn và những câu trả lời của Cậu” (Lc 2,47). Tuy nhiên, có lẽ không nên coi Cậu như một thần đồng, vì ngồi trước các thầy dạy về Luật trong Đền thờ, Cậu “vừa lắng nghe họ, vừa hỏi họ” (Lc 2,46) như một học trò. Luca 2,40.52 cho thấy Cậu Giêsu đã lớn lên một cách bình thường.
Khi thấy Con mình bình an ngồi với các thầy trong Đền thờ, cha mẹ Ngài sửng sốt vì không hiểu tại sao Ngài ở lại mà không báo. Mẹ Ngài lên tiếng trách Ngài vì đã khiến cho ông bà phải cực lòng tìm kiếm (Lc 2,48). Ta thấy phản ứng của Mẹ Maria ở đây cũng giống phản ứng của các bà mẹ khác trong trường hợp tương tự.
Câu trả lời của Cậu Giêsu bắt đầu bằng một câu hỏi: “Tại sao cha mẹ lại tìm con?” Lẽ ra cha mẹ phải biết rằng con phải ở lại trong nhà Cha của con chứ (Lc 2,49). Như thế Cậu Giêsu năm mười hai tuổi đã ý thức mình thuộc về Thiên Chúa, Đấng Cậu gọi là Cha của mình. Đền thờ này là nhà của Cha Cậu, Cậu có bổn phận ở lại đây, dù Cậu biết cha mẹ phải buồn lòng. Câu trả lời của Cậu Giêsu vén mở tương quan thân thiết đặc biệt giữa Cậu với Thiên Chúa. Đây thật là một mầu nhiệm khó hiểu đối với cha mẹ Cậu vào lúc đó (Lc 2,50).
Sau biến cố ở lại Đền thờ, Cậu Giêsu lại trở về Nadarét với cha mẹ. Cậu trưởng thành hơn nhờ sống hơn ba mươi năm ở đó, trong sự vâng phục thảo hiếu với Mẹ Maria và cha nuôi là Thánh Giuse. Nhưng Cậu ý thức, trên hết và trước hết, mình phải làm theo ý Cha trên trời.
Cậu Giêsu lớn lên về ba mặt: khôn ngoan, vóc dạng, và ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta (Lc 2,52). Như thế đây là một sự lớn lên quân bình về mọi mặt, cả về thân xác, trí tuệ cũng như đời sống tâm linh và nhân bản.
So sánh Lc 2,40 với Lc 2,52 ta thấy cả hai câu đều cho thấy Cậu Giêsu lớn lên về ba mặt thân xác mạnh mẽ, trí tuệ khôn ngoan, và đời sống tâm linh được ân nghĩa với Thiên Chúa. Như thế Cậu Giêsu đã lớn lên từ từ theo dòng thời gian, nhờ học tập nơi người khác, nhờ kinh nghiệm bản thân, nhờ cầu nguyện và lao động…
Khi nghe các người chăn chiên kể lại những điều kỳ diệu đã xảy ra cho họ (Lc 2,8-14), Đức Maria “đã giữ kỹ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong trái tim của mình” (Lc 2,19). Khi nghe câu trả lời của con mình ở Đền thờ (Lc 2,49), Mẹ không hiểu và Mẹ “đã giữ kỹ tất cả những điều ấy trong trái tim của mình” (Lc 2,51). Như thế Mẹ Maria có thói quen đón nhận những biến cố khó hiểu Chúa gửi đến cho đời mình. Mẹ không gạt đi, nhưng giữ kỹ, suy niệm và cố tìm hiểu ý nghĩa của chúng.
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.