Sáng Chúa Nhật 31 tháng Ba, lúc 10:35, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các linh mục, tu sĩ nam nữ và Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô tại nhà thờ chính tòa Thánh Phêrô của giáo phận Rabat.
Trong diễn từ với các linh mục, tu sĩ nam nữ và Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, Đức Thánh Cha đã đưa ra nhận xét rằng: “con đường truyền giáo không phải là con đường chiêu dụ tín đồ.”
Nhận xét này gây ra nhiều tranh cãi. Edward Pentin của hệ thống truyền hình EWTN của Công Giáo Hoa Kỳ có bài bình luận nhan đề “What Did Pope Francis Mean By His Remarks About ‘Proselytism?’” Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn nói gì trong nhận xét về việc “chiêu dụ tín đồ” đăng trên tờ National Catholic Register hôm 1 tháng Tư..
Hôm Chúa Nhật Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi cộng đoàn nhỏ bé các tín hữu ở Marốc đừng chiêu dụ tín đồ người Hồi giáo ở nước này, khi nhắc nhớ những lời của Đức Bênêđíctô XVI rằng Giáo Hội không phát triển thông qua việc chiêu dụ tín đồ, nhưng bằng sự lôi cuốn, thông qua các chứng tá.
Những lời bình luận của ngài, được đưa ra trong một cuộc gặp gỡ với các linh mục và tu sĩ tại nhà thờ chính tòa của Rabat, đã gây ra một số lớn các phản ứng mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông xã hội.
“Đó là một hình thức Đừng-Truyền giáo mới”, một quan sát viên nhận xét cay đắng trong một tweet, trong khi một người khác nhận xét rằng ông đã hiểu những lời của Đức Giáo Hoàng là từ nay chúng ta hãy phớt lờ Đại Mệnh Lệnh của Chúa Giêsu: “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28: 19)
Một linh mục nói với National Catholic Register rằng ngài cảm thấy nhận xét này chỉ là một sự tiếp nối những “mơ hồ liên tục” từ Đức Giáo Hoàng, và tự hỏi “làm thế nào điều này lại có thể được thông truyền cho một Giáo Hội đang bị bách hại?”
Nhưng khi được đọc trong bối cảnh, những lời của Đức Phanxicô không phải là những lời gây tranh cãi như nhiều báo cáo của các phương tiện truyền thông nghĩ.
Chẳng hạn, Đức Thánh Cha không hề khuyên các tín hữu đừng cải đạo người khác để tăng số lượng bé nhỏ của mình, như hàm ý của một số tường trình báo chí.
Đoạn liên quan trong diễn từ của ngài là:
“Sứ mệnh của chúng ta như những người được rửa tội, các linh mục và những người nam nữ tận hiến, không thực sự được xác định bởi số lượng hoặc chiều kích không gian mà chúng ta chiếm giữ, mà là bởi khả năng của chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi và đánh thức sự ngạc nhiên và lòng trắc ẩn. Chúng ta làm điều này bằng cách sống như các môn đệ của Chúa Giêsu, ở giữa những người mà chúng ta chia sẻ cuộc sống hàng ngày, niềm vui và nỗi buồn, đau khổ và hy vọng (x. Evangelii Gaudium – Hiến chế Mục vụ Giáo Hội trong thế giới đương đại, 1). Nói cách khác, con đường truyền giáo không phải là con đường chiêu dụ tín đồ. Xin vui lòng nhớ nhé, những nẻo đường này không phải là những con đường chiêu dụ tín đồ! Chúng ta hãy nhớ lại lời Đức Bênêđíctô XVI đã từng nói: ‘Giáo Hội không phát triển thông qua việc chiêu dụ tín đồ, nhưng bằng sự lôi cuốn, thông qua các chứng tá’ [Một bài giảng vào năm 2007]. Những nẻo đường truyền giáo không phải là những nẻo đường của chiêu dụ tín đồ, vì những nẻo đường như thế luôn luôn chỉ dẫn đến đường cùng, nhưng những nẻo đường ấy phải là cách chúng ta sống với Chúa Giêsu và với những người khác.”
Trong đoạn trước đó, đoạn dẫn nhập, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Chúa Giêsu “mời gọi chúng ta đến với một sứ vụ.” và “Ngài đặt chúng ta vào giữa xã hội như một nắm men: men của Các Mối Phúc Thật và tình huynh đệ, theo đó, là Kitô hữu, tất cả chúng ta đều có thể tham gia làm cho Nước Ngài trị đến.”
Ngài nói tiếp rằng “Trong bối cảnh này, tôi nhớ lại lời khuyên của Thánh Phanxicô với các anh em ngài khi ngài sai họ đi: ‘Hãy đi và rao giảng Tin Mừng: và nếu cần thiết, thì dùng cả lời lẽ [mà biện giải]’”.
Điều đáng chú ý rằng Đức Giáo Hoàng đã không sử dụng một trong hai từ “evangelization” – “truyền giáo” hay “conversion” – “cải đạo” trong diễn từ của ngài. Những thắc mắc chỉ nổi lên xung quanh định nghĩa của từ “proselytism” – “chiêu dụ tín đồ”.
Từ điển tiếng Anh Oxford định nghĩa từ “proselyte” là “một người đã chuyển đổi từ một quan điểm, tôn giáo, hoặc một đảng phái khác,” nhưng nhiều người xem “proselytism” – “chiêu dụ tín đồ” – nghĩa là ép buộc hoặc áp lực cải đạo. Vậy Đức Giáo Hoàng muốn nói gì với từ này?
Định nghĩa của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Massimo Borghesi, tác giả cuốn “The Mind of Pope Francis: Jorge Mario Bergoglio’s Intellectual Journey” – “Suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: hành trình tri thức của Jorge Mario Bergoglio”, nói với tờ National Catholic Register hôm 01 tháng Tư rằng đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, chiêu dụ tín đồ “cho thấy một lòng nhiệt thành nhưng thiếu thương xót, được linh hoạt bằng ý chí muốn thủ đắc quyền lực hơn là lòng mong muốn giao tiếp với Chúa Kitô.”
Ông nói thêm rằng “trái lại, một chứng tá nhân bản thật sự về tình yêu đối với tha nhân, như chứng tá của Mẹ Teresa đối với người Ấn Giáo ở Ấn Độ, có khả năng thu hút những con tim, khơi dậy lòng kính trọng đối với các tín hữu Kitô, đối với những con cái của Chúa Kitô.”
Borghesi cũng nhắc đến các vị tử đạo ở thành Tibhirine, là những tu sĩ đã bị những người Hồi giáo Algeria giết vào năm 1996. Các vị là những người “sản sinh lòng yêu mến và ngưỡng mộ đối với đức tin Kitô nơi rất nhiều người Hồi giáo” – một ví dụ khác được ông đề cập đến là Chân phước Charles de Foucauld, sống ở thế kỷ 20, là một nhà truyền giáo người Pháp cũng bị giết ở Algeria trước đó, vào năm 1916, và được Đức Bênêđíctô XVI tuyên Chân Phước vào năm 2005.
“Kitô giáo trong những thế kỷ đầu tiên được mở mang bằng cách thu hút, cả trong những thời kỳ khi danh Chúa Kitô không thể được thốt ra,” ông nói thêm. “Đức Thánh Cha Phanxicô không làm gì khác hơn là nhắc lại một kinh nghiệm cơ bản của Giáo Hội”. Theo Borghesi, những người nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng đang cổ vũ cho một thứ “thần học sai trái” cho thấy họ “không hiểu gì.”
“Không ai trong số các vị giáo hoàng cuối cùng, từ Đức Gioan Phaolô II [xem một bản tuyên ngôn vào năm 1987, trong đó ngài bác bỏ ‘mọi hình thức chiêu dụ tín đồ’] đến Đức Bênêđíctô XVI, nói rằng bạn cần phải đi đến những vùng đất Hồi giáo để dạy giáo lý cho người cho những người theo đạo Hồi,” ông nói. “Vấn đề không phải chỉ là chúng ta không có cơ hội nhưng cũng vì sự tôn trọng. Giáo hội Chính thống cũng yêu cầu một sự tôn trọng tương tự nơi những người Công Giáo đến với các quốc gia có truyền thống gắn bó với Chính thống giáo.”
Nhưng Thánh Phanxicô thành Assisi có đồng ý với đường lối này không? Theo Thánh Bonaventura, Thánh Phanxicô đã đến thăm Quốc Vương Ai Cập Malek al-Kamil 800 năm trước đây “để chỉ cho nhà vua và các cận thần của nhà vua con đường cứu rỗi và công bố chân lý của sứ điệp Tin Mừng”.
Thánh Bonaventura ghi lại rằng Thánh Phanxicô đã rao giảng Tin Mừng cho nhà vua theo cách mà Quốc vương al-Kamil không cảm thấy bị xúc phạm, nhưng có thể thấy tình yêu tuôn chảy từ vị thánh và ngạc nhiên trước sự táo bạo của ngài.
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.