Học hỏi Tin Mừng Chúa Nhật VI Phục sinh năm C


HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH NĂM C
Ga 14,23-29
1. Đức Giêsu nói những lời trong bài Phúc âm này trong bối cảnh nào?
2. Đọc Ga 14,21 và 14,23. Hai câu này có những điểm giống nhau nào ? Và có những khác biệt nào?
3. Đức Giêsu nhắn nhủ giữ các điều răn (câu 21) hay giữ lời (câu 23). Điều răn nào hay lời gì vậy?
4. Đọc Ga 14,23. Đức Giêsu mong muốn người môn đệ yêu mến Ngài bằng cách nào?
5. Khi nào thì những lời hứa của Đức Giêsu trong Ga 14,21.23 được thực hiện?
6. So sánh Ga 14,2 với Ga 14,23. Tìm một điểm khác biệt giữa hai câu này..
7. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa ngự ở đâu ? Đọc 1 Vua 8,10-13. Đọc thêm Ga 2,19-21. Bây giờ Thiên Chúa ngự ở đâu?
8. Đọc Ga 14,26. Thánh Thần là ai? Thánh Thần làm gì cho người tín hữu? Thánh Thần có dạy điều gì mới lạ so với lời dạy của Chúa Giêsu không?
9. Chúa Cha cao trọng hơn Thầy : phải hiểu câu Ga 14,28 như thế nào cho đúng?
CÂU HỎI SUY NIỆM: Những điều nào Đức Giêsu nói ở Ga 14,26-29 khi Ngài sắp về với Cha, nay đã được ứng nghiệm ở Ga 20,11-29?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Đức Giêsu nói những lời trong bài Phúc âm này trong bối cảnh Bữa ăn cuối đời với các môn đệ. Sau khi rửa chân cho họ và dùng bữa với họ, Đức Giêsu nói với họ những lời từ biệt (Ga 13,31 -16,33). Biết rằng đã đến giờ Ngài phải trở về với Chúa Cha qua cái chết trên thập giá, Đức Giêsu giúp các môn đệ giữ được sự bình an trước những biến cố sắp xảy đến.
2. Gioan 14,21 có những điểm vừa giống vừa khác với Gioan 14,23. Cả hai câu đều nói đến “tuân giữ”: “tuân giữ các điều răn của Thầy” (câu 21) hay “tuân giữ lời của Thầy” (câu 23). Cả hai câu đều nối kết “tuân giữ” với “yêu mến Thầy”: “Ai tuân giữ các điều răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy” (câu 21), còn ở câu 23, trật tự bị đảo ngược: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ tuân giữ lời của Thầy.” Kết quả của việc yêu mến Thầy và tuân giữ lời Thầy thì giống nhau: “sẽ được Cha Thầy yêu mến” (câu 21), hay “Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy” (câu 23). Tuy nhiên, có nhiều khác biệt hơn trong phần cuối của hai câu: “Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (câu 21); “Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại nơi người ấy” (câu 23).
3. “Các điều răn” (Ga 14,21) hay “lời” của Đức Giêsu (Ga 14,23) là tất cả những mặc khải hay giáo huấn của Đức Giêsu qua lời nói và hành động của Ngài, khi Ngài sống trên trần thế. Trong các điều răn, Đức Giêsu đặc biệt nhấn mạnh điều răn “yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).
4. Qua Ga 14,23, Đức Giêsu muốn người môn đệ yêu mến Ngài không phải chỉ bằng tình cảm hay suy nghĩ. Ngài đòi tình yêu ấy phải được thể hiện bằng hành động trong cuộc sống. Đó là tuân giữ lời của Ngài. Thí dụ, việc tuân giữ lời dạy về “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” đòi ta phải cúi xuống rửa chân phục vụ, thậm chí phải hy sinh mạng sống cho anh em (Ga 13,14; 15,12-13).
5. Đức Giêsu hứa “tỏ mình” cho người tuân giữ các điều răn vì yêu mến Ngài (Ga 14,21). Ngài còn hứa Chúa Cha và Ngài “sẽ đến và ở lại (hay làm chỗ ở) nơi người ấy” (Ga 14,23). Có thể nói sau khi Chúa Giêsu phục sinh hiện đến với các môn đệ và, cùng với Chúa Cha, Ngài trao ban Chúa Thánh Thần để Thánh Thần ở lại với các môn đệ (Ga 14,16), thì những lời hứa trên bắt đầu được thực hiện: Chúa Cha và Chúa Giêsu sẽ đến và sẽ ở lại nơi tâm hồn những ai yêu mến và tuân giữ lời Chúa Giêsu.
6. Có ít nhất một điểm khác biệt giữa Ga 14,2 và Ga 14,23. Chúa Cha có nhà (oikia) với nhiều chỗ ở (monê) trên trời (Ga 14,2). Nhưng Ngài còn “làm chỗ ở” (monê) riêng tư trong tâm hồn từng tín hữu đang sống nơi trần thế (Ga 14,23). Như vậy Ba Ngôi không chỉ cư ngụ ở trên trời mà còn cư ngụ trong tâm hồn người kitô hữu đang sống ở cuộc đời này. Những ai có Ba Ngôi “làm chỗ ở” trong tâm hồn mình ở đời này, thì đời sau, người ấy sẽ được đưa vào “chỗ ở” trong nhà của Chúa Cha trên trời.
7. Trong Kinh Thánh Cựu Ước, Thiên Chúa là Đấng ngự trên trời. Từ trên cao đó, Ngài thấy hết mọi sự và điều khiển mọi loài. “Vinh quang Thiên Chúa trên cõi trời cao” (Lc 2,14). Nhưng Ngài cũng hiện diện trên mặt đất, đặc biệt trong Đền thờ Giêrusalem. Đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự giữa dân của Ngài (1 Vua 8,10-13). Đức Giêsu đã gọi Đền thờ là “nhà của Cha tôi” (Ga 2,16). Khi Ngôi Lời làm người, thì chính con người Đức Giêsu, chính thân thể của Đức Giêsu trở thành Đền thờ, nơi Thiên Chúa hiện diện (Ga 2,19-22). Và người kitô hữu gắn bó với Đức Giêsu cũng trở thành Đền thờ của Thánh Thần (1 Cr 6,19), trở thành “chỗ ở” của Chúa Cha và Chúa Giêsu (Ga 14,23).
8. Ở Ga 14,26, Chúa Thánh Thần được gọi là Đấng Bảo trợ (Paraklêtos), do Chúa Cha sai đến với các môn đệ nhân danh Đức Giêsu. Chính Thánh Thần sẽ đóng vai trò của một vị Thầy sau khi Thầy Giêsu về với Cha. Ngài sẽ dạy họ mọi điều, và giúp họ nhớ lại những điều Đức Giêsu đã dạy trước đây mà họ chưa hiểu hết. Nói chung, Thánh Thần giúp các môn đệ thấu triệt giáo huấn của Thầy Giêsu, và dẫn họ vào sự thật trọn vẹn (Ga 16,13-14).
9. Trong câu Ga 14,28 Đức Giêsu khuyên các môn đệ phải vui lên trước việc Ngài sắp “đi đến cùng Chúa Cha.” Không có gì phải xao xuyến và sợ hãi (Ga 14,27). Nếu họ yêu mến Thầy Giêsu thì họ phải vui vì thấy Thầy trở về với Chúa Cha. Có thể nói “Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” vì nhiều lẽ sau đây. Chúa Cha là Đấng sai Thầy, còn Thầy là người được Cha sai (Ga 6,39; 13,16). Chúa Cha là Đấng sinh ra Thầy từ vĩnh cửu, còn Thầy là Con Một của Chúa Cha (Ga1,14). Chúa Cha là Đấng đã ban choThầy mọi sự. còn Thầy đã nhận mọi sự từ Cha (Ga 3,35; 13,3; 17,2). Thầy là người Con luôn vâng phục Cha, làm điều thấy Cha làm, nói điều nghe Cha nói (Ga 8,26; 5,19). Chúa Con là Thiên Chúa ngang hàng với Chúa Cha bởi vì Chúa Con đã nhận được tất cả từ Chúa Cha. Ngài là “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật” (Kinh Tin kính).

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.