Học hỏi Tin Mừng Chúa Nhật XIX thường niên năm C


HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN NĂM C
Lc 12,35-40
1. Đọc Lc 12,35-40, bạn thấy có ba nhân vật đến bất ngờ. Họ là ai vậy? Nhân vật nào là quan trọng hơn cả? Vì cả ba nhân vật này đến bất ngờ, nên thái độ cần phải có là thái độ nào?
2. Đọc Lc 12,35-37. Hãy cho biết người giữ cửa nghiêm túc phải làm những công việc gì.
3. Tại sao phải “thắt lưng”? Đọc Lc 12,37; 17,8; Cv 12,8; Xh 12,11.
Tại sao phải giữ “đèn sáng”? Đọc Mt 25,1-13.
4. Đọc Lc 12,38. Theo người Do-thái, canh hai, canh ba ở đây là vào lúc mấy giờ?
5. Đọc Lc 12,37. Đâu là thái độ của ông chủ khi trở về còn thấy đầy tớ tỉnh thức? Theo bạn, thái độ này có lạ lùng không? Đọc Lc 17,7-10; 22,24-27. Đây có phải là thái độ của Chúa Giêsu phục sinh vinh quang không? Đọc Ga 21,9-14.
6. Bài Tin Mừng này nói lên mấy mối phúc? Bạn hãy tìm trong Tin Mừng Luca ba mối phúc khác.
7. Chúng ta có biết khi nào Chúa Giêsu quang lâm, hay khi nào tận thế không? Đọc Mc 13,32; Cv 1,6-7.
8. Đọc Lc 12,42-46. Dụ ngôn này có gì đặc biệt so với dụ ngôn các người giữ cửa (Lc 12,35-38)?
9. Đọc Lc 12, 47-48. Bạn nghĩ gì về cách xét xử của Chúa?

CÂU HỎI SUY NIỆM: Cái chết của mỗi người chúng ta là một bất ngờ quan trọng, liên quan đến ơn cứu độ vĩnh cửu. Làm sao để chúng ta ở trong tư thế sẵn sàng khi nó chợt đến?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Luca 12,35-40 nói về ba nhân vật đến bất ngờ: ông chủ đi ăn cưới ban đêm về muộn, kẻ trộm đến khoét vách, và Con Người sẽ đến. Con Người, tức là Đức Giêsu Kitô, là nhân vật quan trọng hơn cả. Ngài được ví với ông chủ, thậm chí với kẻ trộm, vì hai nhân vật này cũng xuất hiện bất ngờ. Đứng trước sự bất ngờ, thái độ cần có là “canh thức” (Lc 12,37) và “sẵn sàng” (Lc 12,40).
2. Người giữ cửa nghiêm túc sẽ phải làm nhiều việc khi chờ chủ đi ăn cưới về: trước hết anh phải canh thức, ngoài ra còn phải thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sáng, và mở cửa ngay khi chủ vừa gõ cửa (Lc 12,35-36). Tóm lại anh phải chờ một cách tích cực. Thắt lưng gọn gàng để sẵn sàng bắt tay ngay vào việc phục vụ ông chủ. Đèn phải được châm đủ dầu để có thể sáng suốt đêm. Anh phải tỉnh táo, không được buồn ngủ đến nỗi không nghe được tiếng gõ cửa của chủ…
3. Vào thời Đức Giêsu, người Do-thái mặc chiếc áo ngoài tương đối rộng, nên khi làm việc hay khi đi đường, để tránh vướng víu, người ta phải thắt ngang hông một thứ dây lưng. Người đầy tớ thắt lưng khi hầu hạ chủ (Lc 17,8), hay chủ cũng làm như vậy khi hầu hạ đầy tớ (Lc 12,37). Thiên sứ cũng bảo Phêrô thắt lưng trước khi trốn khỏi phòng giam (Cv 12,8). Xưa kia ông Môsê đã truyền cho dân Ítraen phải thắt lưng mà ăn Lễ Vượt Qua một cách vội vã, trong tư thế của người sắp lên đường, để sẵn sàng ra khỏi Ai-cập (Xh 12,11).
Đèn là vật dụng cần thiết vào thời chưa có điện khí. Đèn dầu đem lại ánh sáng để làm việc, nhất là vào ban đêm. Những đầy tớ cần giữ đèn cháy sáng, để khi chủ đi ăn cưới về muộn ban đêm, họ sẵn sàng tiếp đón chủ ngay lập tức (Lc 12,35). Các cô trinh nữ cũng cần có đèn sáng để sẵn sàng vào dự tiệc cưới ngay, không mất thời gian đi mua dầu (Mt 25,10).
4. Người Rôma chia khoảng thời gian từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau làm 4 canh, mỗi canh 3 tiếng đồng hồ (x. Mc 13,35, “lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng”). Còn người Do-thái và Hy-lạp thì chia làm 3 canh, mỗi canh 4 tiếng. Nếu ta hiểu Lc 12,38 theo kiểu chia của người Do-thái, thì canh hai hoặc canh ba sẽ trong khoảng từ 10 giờ đêm đến sáng.
5. Khi trở về và thấy các đầy tớ còn tỉnh thức, ông chủ làm chúng ta hết sức ngạc nhiên bởi một loạt những hành động của ông. Bỗng dưng ông chủ đóng vai đầy tớ: ông sẽ thắt lưng như người sắp làm việc, ông mời các đầy tớ ngồi vào bàn ăn, và đến bên họ mà phục vụ (Lc 12,37; x. Lc 17,7-10). Bỗng dưng các đầy tớ được lên làm ông chủ: được ngồi ăn và được phục vụ bởi chính ông chủ của mình. Thái độ lạ lùng của ông chủ thật ra là thái độ của Đức Giêsu khi Ngài sống bên các môn đệ của Ngài. Ngài đã sống như một người phục vụ bàn ăn, còn các môn đệ lại như những thực khách ngồi ăn (x. Lc 22,27). Sau khi được phục sinh, được tôn làm Chúa vũ trụ, Chúa Giêsu đã dọn bữa sáng cho các môn đệ trên bờ hồ và mời họ đến ăn (Ga 21,9-14).
6. Trong bài Tin Mừng Lc 12,32-48, có ba mối phúc: Phúc cho những đầy tớ còn canh thức khi chủ về (Lc 12,37); Phúc cho họ khi chủ về còn thấy họ trong tư thế sẵn sàng (Lc 12,38); Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về thấy anh ta đang làm việc được chủ giao (Lc 12,43). Tin mừng Luca còn nói đến nhiều mối phúc khác ngoài các Mối Phúc thật (Lc 6,20-23), chỉ kể ba mối phúc sau: Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi (Lc 7,23); Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy (Lc 11,27); Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa (Lc 14,15).
7. Chúng ta có thể hiểu ngày Con Người đến là ngày Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang vào lúc tận thế. Khi nào Chúa Giêsu quang lâm hay khi nào tận thế, câu hỏi này dẫn đến nhiều đồn đoán vu vơ và nhiều thái độ sai lạc. Bao lần chúng ta nghe nói tận thế sẽ đến vào năm này, năm nọ, để rồi một số người đua nhau chuẩn bị những chuyện vớ vẩn. Rốt cuộc chẳng có gì xảy ra. Chính Đức Giêsu, khi sống ở trần gian, đã nói: “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết, cả các thiên sứ trên trời, cả Người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13,32). Vậy khi nào tận thế hay quang lâm, hay khi nào Con Người trở lại, là một bí mật chỉ mình Chúa Cha biết và ấn định (x. Cv 1,6-7). Đó mãi mãi là một biến cố bất ngờ mà chúng ta phải luôn tỉnh thức sẵn sàng để đón nhận.
8. Dụ ngôn ở Lc 12,42-46 dùng một hình ảnh mới, đó là hình ảnh người quản lý hay quản gia. Anh này được chủ đặt lên để coi sóc gia nhân và phân phát lương thực cho họ đúng giờ. Ông chủ đi vắng và trở về bất ngờ. Khi về, nếu ông thấy anh đang chu toàn bổn phận được giao, ông sẽ cho anh được coi sóc toàn bộ tài sản của mình. Đó là người quản gia trung tín và khôn ngoan (Lc 12,42-44). Ngược lại, anh ta có thể là một người quản gia lạm dụng quyền lực, hư hỏng và vô trách nhiệm. Ông chủ trở về bất ngờ và sẽ trừng phạt anh nặng nề (Lc 12,45-46). Dụ ngôn này có thể áp dụng đặc biệt cho những nhà lãnh đạo trong Giáo hội.
9. Luca 12,47-48 cho thấy việc trừng phạt của ông chủ nặng hay nhẹ còn tùy người đầy tớ có biết ý chủ hay không. Ai càng hiểu biết ý chủ mà cố tình sai phạm thì càng bị đòn nhiều. Ai càng được trao phó nhiều quyền lực và trách nhiệm, thì càng phải trả lẽ nhiều hơn trước mặt Chúa. Chúa không xét xử mọi người cách cứng nhắc.