Tin, cậy, mến và Thập Giá Đức Ki-tô
Karl Rahner, S.J.
Dịch từ bản tiếng Đức: “Glaube, Hoffnung, Liebe und das Kreuz Christi” in Karl Rahner, Sämtliche Werke, Bd. 23, Herder. Freiburg , 2006, 366-370.
Chúng ta chiêm ngắm thập giá Đức Ki-tô với niềm tin, cậy, mến. Ba thái độ nền tảng của đời ki-tô hữu này sẽ là chủ đề và nội dung ba phần suy niệm dưới đây, đặt trong tương quan với Thập Giá Đức Ki-tô. Qua việc xếp thứ tự tin-cậy-mến, chúng ta cũng hiển nhiên ý thức rằng việc khoanh vùng cục bộ cuộc sống ki-tô hữu chúng ta thành ba khía cạnh và diễn tả chúng thành từng đoạn suy niệm một phải được lồng vào tổng thể, mà trong đó ta khám phá ra ý nghĩa của tin-cậy-mến, khi chúng quy hướng về thập giá Chúa. Dĩ nhiên những điểm suy niệm khiêm tốn dưới đây chỉ có thể diễn tả rất ít sự phong phú khôn dò của mầu nhiệm Thập Giá.
Tin
Đức tin chiêm ngắm thập giá Chúa. Điều mà thập giá ngỏ lời trước tiên với các tín hữu về cuộc sống của họ chính là những thực kiện đánh dấu cách trần trụi và kinh khủng cuộc sống của con người. Thực kiện ấy là: Thập giá (dù ta muốn gọi thế này hay thế khác) là một “sự vật” thuộc về cuộc sống con người, mà suốt đời người ta không thể nào trốn chạy được. Thập giá hiện diện trong chính cuộc đời của Đức Giê-su trong những hoàn cảnh đáng sợ và đặc thù mà chúng ta không thể nào hiểu hết được. Nhưng trong dòng lịch sử đáng thương của nhân loại không chỉ lặp đi lặp lại khắp nơi toàn là những biến cố mới mà thôi, mà đối diện với bóng đen và sự khủng khiếp của chúng thì chúng ta không thể nói gì hết ngoài sự câm lặng, như trước cái chết đau thương của Đức Giê-su. Suy cho cùng, trong lịch sử ấy, không hề có sự phân chia giữa kẻ chiến người bại, kẻ hạnh phúc người bất hạnh, mà thật ra (chúng ta cứ quan sát cuộc đời một con người trong tổng thể và điểm kết của nó thì rõ) chỉ có kẻ chiến bại mà thôi. Con người chúng ta là kẻ thảm bại dưới mọi hình thức: nghèo đói, bệnh tật, thua cuộc, những o ép của cuộc đời, bất công tàn nhẫn của xã hội, cảm giác tội lỗi và cuối cùng là cái chết. Con người bị dồn vào cõi mịt mờ, cô đơn và vô thanh đến chết người ấy, điều mà trong ngôn ngữ nhà đạo chúng ta xưa nay vẫn dùng là “Thập Giá”.
Chúng ta không thể giảm nhẹ sức nặng của thập giá. Thập giá đè lên cuộc đời chúng ta cho tới khi cái chết vồ lấy chúng ta; và thập giá, lại một lần nữa, là biểu tượng của kẻ chiến bại, được dựng lên trên mộ phần. Dĩ nhiên chúng ta phải và có khả năng kháng cự lại mọi sự dữ trong xã hội và đời sống cá nhân. Dù vậy, ta không được hiểu sai sứ điệp thập giá, theo kiểu tự nhủ thầm, thôi đừng làm gì cả, hay theo kiểu ra lời an ủi kẻ khác, về những điều mà theo lẽ chúng ta đã phải tranh đấu cho và vì họ. Nhưng cả những điều vừa nói cũng sẽ chẳng thay đổi điều này: là tất cả chúng ta rồi sẽ phải đối diện với cái chết, – tức cái tự tồn hữu ngay trong khái niệm sống -, và thêm nữa cuộc sống của chúng ta là một đàng thánh giá tiến về sự chết, về phía nỗi cô đơn và mịt mờ của nó.
Nhưng nếu bây giờ ta tự hỏi: liệu đức tin của chúng ta, một khi ngước nhìn thập giá, có dám chấp nhận sự khó hiểu đến vô lý của thập giá không. Đặt sự khó hiểu ấy đối diện với cái thực tế phũ phàng của cuộc sống thì chúng ta được kết quả hiển nhiên là: chúng ta được mời gọi vác lấy thập giá mình và bước theo Đức Giê-su. Hẳn ta thấy còn biết bao nhiêu cá nhân và cộng thể vẫn không thoát ra được cơn cám dỗ triền miên, là cố che dấu cái cay đắng của hoàn cảnh mình hay chối bỏ những lời chính Đức Ki-tô đã thốt ra trên thập giá. Như đã nói, chúng ta được phép kháng cự lại thập giá. Trong đời sống cá nhân và xã hội, chúng ta cũng đã phần nào giành được phần thắng, lắm khi thắng rất oanh liệt. Vì thế, tự bây giờ chúng ta có quyền được hạnh phúc, được quyền lạc quan về sức mạnh của cuộc sống, của tinh thần và thể xác. Bao lâu chúng ta còn có thể sống với một thái độ như thế, thì chúng ta mới mong có được tiếp phần chiến thắng thêm nữa. Nhưng tất cả những ý tưởng này không được phép chối bỏ ý thức của chúng ta về thập giá. Những ai có tinh thần lạc quan về cuộc đời phải là người nắm giữ bí mật về sự hiệp nhất này: là chúng ta phải thực sự muốn ôm ấp sứ điệp của Thập giá, cho mình.
Tới đây, trong cõi tĩnh lặng của tâm hồn, chúng ta đặt cho mình câu hỏi: Đâu là thập giá đời tôi, thập giá mà tôi không muốn thấy và tự thâm tâm không muốn nhận lấy, nhưng thập giá ấy thực ra sẽ trở thành thập giá chúc phúc của Đức Ki-tô, nếu tôi muốn thực sự đón nhận nó? Mỗi người đều được hỏi như thế, và mỗi người phải tự mình cho câu trả lời. Nếu một người lớn mà nói như thế này, rằng câu hỏi này thật ra không phải là một nỗi bận tâm lắm trong đời anh ta, thì anh ta có thể hoặc là một người, dù có thể vô danh, nhưng đã có được sức mạnh từ thập giá của Đức Giê-su Ki-tô rồi, hoặc là một người hiện còn ở lại hoàn toàn trong sự mù lòa đáng sợ của mình đến nỗi chẳng có thể đối diện nổi với những câu hỏi cuộc đời riêng. Tất cả chúng ta, ai cũng bị đặt câu hỏi, nhưng mỗi người tùy theo cách của mình.
Cậy
Hy vọng (đức cậy) trong bối cảnh thập giá là nội dung suy tư sau đây của chúng ta. Trước khi đi vào đề tài này, chúng ta có một lưu ý nhỏ nhưng cần thiết. Chúng ta muốn nói đến một niềm hy vọng có thể bao trùm và chứa đựng hết tất cả. Ý nghĩa và sức mạnh của niềm hy vọng ấy, chúng ta gọi là Thiên Chúa và niềm hy vọng ấy, trong tương quan với thập giá Đức Giê su, sẽ được nhìn nhận như một thách đố và đồng thời là một bảo chứng. Ngược lại với hy vọng là sự hoài nghi tuyệt đối. Có khi nó thâm nhập rất đơn giản và yên ả trong cuộc đời người này và có thể là một thái độ thực sự “rắp tâm” trong cuộc đời một người khác. Tuy nhiên, ở nơi nào mà đời người bị giày xéo bởi đau khổ, dằn vặt và sự chết, cũng như ở nơi nào mà cơ hội để được là chính mình và tự mình xây dựng những khả năng như mình phải có bị cưỡng đoạt, thì ở đó thế nào cũng có một kiểu hoài nghi nào đó, một kiểu mà quan niệm tội lỗi và nghi ngờ xét theo nghĩa cá nhân không còn có thể kể đến nữa. Hơn thế nữa, người ta không chỉ còn là nạn nhân chịu đau khổ do một kẻ khác gây ra, mà chính Chúa phải tiếp nhận trách nhiệm của kẻ ấy, để rồi Ngài đón lấy họ và đưa vào trong lòng thương xót vô biên của Ngài. Thậm chí cả khi chúng ta cho rằng phần số của kẻ bị hoài nghi ấy xem ra còn khủng khiếp hơn thế nữa.
Chúng ta có rất nhiều niềm hy vọng trong đời và chúng chóng nở chóng tàn. Hơn nữa, chúng ta cũng tự hỏi, liệu chúng ta có một niềm hy vọng đến từ Thiên Chúa hay không. Một niềm hy vọng bao trùm mọi hy vọng, sẽ không hư mất, mà tồn tại mãi, trong khi những điều hy vọng hão huyền của riêng ta rồi sẽ mất đi. Chúng ta xây cho mình nhiều loại hy vọng: sức khỏe, chiến thắng bệnh tật, thành công trong cuộc sống, tình yêu và cảm giác được che chở, hòa bình trên thế giới và hàng ngàn điều khác mà cuộc sống của chúng ta mong đạt tới. Những điều ấy tự chúng là tốt, và chúng ta luôn có dịp kinh nghiệm lúc này lúc khác, cách này cách khác hoa trái tốt đẹp của những hy vọng ấy. Nhưng cuối cùng mọi hy vọng kiểu ấy sẽ biến thành thất vọng. Chúng chênh vênh rồi tàn lụi, cho dù trước đó những hy vọng ấy trở thành hiện thực hay vẫn còn dang dở. Vì dầu thế nào đi nữa, chúng ta, ai cũng sẽ phải đi vào cõi chết, và trên con đường ấy, từng niềm hy vọng một sẽ bị lấy đi.
Vậy sau đó thì sao? Chuyện gì sẽ đến, nếu chúng ta, trong một giờ tĩnh lặng hay giữa những va chạm ồn ào của cuộc sống, bị dồn vào tình trạng mất hy vọng tuyệt đối, không còn gì để hy vọng nữa? Cái gì có thể soi sáng, nếu những nguồn sáng của cuộc đời thường nhật của chúng ta, từng cái một tắt mất? Khi mà cả ngày và đêm, tất cả đều bị đẩy vào cõi hư vô thinh lặng dị thường? Nào có phải trong giây phút lâm chung, tất cả các hy vọng chỉ còn là những hoài nghi, cái hoài nghi tự mình bóp nghẹt, nhưng sau đó sẽ còn lại một điều duy nhất? Cái duy nhất ấy là biến cố của niềm hy vọng đơn thuần và duy nhất nhưng bao trùm tất cả? Rồi người tín hữu sẽ trải qua kinh nghiệm này là, chính khi mọi hy vọng chết đi, thì niềm hy vọng “ấy” sẽ trỗi lên và có thể chiến thắng. Lúc đó ta không cần bất kỳ hy vọng nào khác mà chúng ta nên bám víu vào, cho bằng chính niềm hy vọng mà ta không hiếu hết được, niềm hy vọng bao trùm tất cả và có tên gọi là Thiên Chúa, một niềm hy vọng trỗi lên trong thinh lặng.
Và nếu chúng ta hiểu và phó thác, rằng chính điều không thể hiểu được ấy là quê hương thật và thánh phúc, thì ta sẽ trải nghiệm rằng, ta không cần phải gồng mình để bám trụ nữa, không phải chiến đấu để chiến thắng nữa, không chạy cuống cuồng theo điều này điều kia đề đặt hy vọng vào chúng. Cái bất khả lĩnh hội thì cách nào đó tự mình dịch chuyển và mang trong mình sự ứng nghiệm có khi không thành lời.
Tuy nhiên, trong đức cậy Ki-tô giáo còn có niềm hy vọng khác nhưng đi kèm sự hiểu biết, về cuộc chiến thắng của Đức Giê-su trong hành trình tự hủy của Ngài. Và cả hai khoảnh khắc này, – tức là một bên là phó mình vào trong ý định khôn dò của Thiên Chúa, hiểu như là một ân phúc vô danh của chúng ta và một bên là sự tuyên tín về cuộc chiến thắng của Đức Giê-su trong hành trình cõi chết -, sẽ định hình và bổ trợ người tín hữu và xây dựng cho họ đức cậy Ki-tô. Và nếu có lúc nào đó ta đối đầuvới sự nhạt nhẽo và nhàm chán của cuộc sống, với cảm thức tội lỗi không thoát ra khỏi chúng được và đi vào những nỗi hồ nghi, thì lúc ấy, trong khi nhìn lên Chúa Giê-su, Đấng thánh và quên mình, ta nhớ lại rằng: trong cuộc đời dương thế này, ta không được phép, dù chỉ một lần, để mình rơi vào cái tình trạng vô nghĩa trống rỗng hồ nghi, nhưng nhìn nhận phần số đời mình như là một thực thể sống động luôn luôn hiện hữu bên Thiên Chúa. Vì lẽ đó, người tín hữu cũng cần đến niềm hy vọng ấy, vì Đấng chịu đóng đinh trên thập giá đã yêu mến ta cho đến cùng. Và thế là kinh nghiệm về Thiên Chúa, diễn ra trong lúc các hy vọng cá nhân mình tan chảy, sẽ gắn kết với lời tuyên xưng về Đấng chịu đóng đinh – Đấng chiến thắng đưa chúng ta vào niềm hy vọng Ki-tô. Chúng ta có muốn có niềm hy vọng, niềm hy vọng duy nhất ấy không? Chúng ta có đủ sức cầu nguyện cùng Giáo Hội trong tuần thánh “Ave crux, spes unica – Kính chào thánh giá, nguồn hy vọng duy nhất của chúng con” không?
Mến
Cuối cùng chúng ta ngước nhìn lên tình yêu mà Đấng chịu đóng đinh dành cho ta. Tình yêu song phương giữa Đức Giê-su và người tín hữu trong bối cảnh thập giá là đề tài thứ ba của chúng ta. Đây là một đề tài không cần giả định nền tảng, bởi vì tình yêu mà ta bàn đến ở đây chỉ có những người đang thực sự yêu nhau mới có thể hiểu mà thôi. Tất cả mọi thứ tư biện về tình yêu đều sai lệch hết, huống chi ở đây là tình yêu của Đấng Con Thiên Chúa chịu đóng đinh và tình yêu mà ơn cứu độ nó mang đến có ý nghĩa cho toàn bộ cuộc sống chúng ta. Vì đặc tính phi nền tảng của tình yêu nên chúng ta chỉ có thể khiêm tốn đặt ra hai câu hỏi: Đấng chịu đóng đinh trên thập giá có yêu chúng ta, trong đó có tôi không? Tôi có khả năng yêu Ngài thực sự không?
Đức Giê-su trên thập giá có yêu tôi không? Ngài có thể biết gì về cuộc đời chỉ sống một lần và cụ thể của tôi không? Trong tình trạng u tối, bị Thiên Chúa bỏ rơi và bất lực hoàn toàn ở cõi chết, Đức Giê-su có biết đến tôi không? Trong khi đang chết mòn trên thập giá, tôi có chỗ trong lòng Ngài không? Và tình yêu ấy làm sao có thể xuyên không gian và thời gian để đến nơi và lúc tôi đang sống và sẽ chết đây? Đối với câu hỏi này chúng ta phải dùng đức tin mà trả lời „Có!“ cho dù câu trả lời ấy vẫn còn tăm tối đối với chúng ta, vì làm thế nào có được một tình yêu như thế trong trái tim một con người giới hạn và đang đi vào cõi chết. Kinh nghiệm sống động của Tin Mừng về Thần Khí của Đức Giê-su đã làm chứng về tình yêu ấy: Người đã yêu tôi và muốn hiến mình vì tôi. Nền thần học uyên bác tìm cách lý giải tình yêu được nói đến trong Kinh Thánh này trong mức có thể, như sau: tình yêu ấy chỉ ra sự thống nhất căn để giữa Ngôi Lời Thiên Chúa với thực tế đời nhân loại của Đức Giê-su, chỉ ra sự gắn kết giữa ý thức của bản tính thần linh với bản tính nhân loại. Sự thống nhất vừa nói nơi Đức Giê-su làm cho Ngài biết được từng cá thể con người, ngay cả trong ý thức nhân loại của Người.
Chúng ta có thể bàn thêm một chút về khả thể của một tình yêu như thế dưới một góc độ khác. Các phương diện và mức độ mà theo đó con người bước vào một tương quan và biến nó thành tình yêu thì rất đa dạng và vì thế cũng có nhiều kiểu tình yêu: tình yêu nông cạn, tình yêu „thường thường bậc trung“, hay tình yêu tận căn nằm trong cõi sâu nhất của hiện hữu. Vì thế, sự gần gũi về thể lý với nhau hay tạo cho nhau cảm giác hạnh phúc lúc này lúc kia suy cho cùng không là tình yêu tuyệt đối; tình yêu tuyệt đối là một tình yêu, trong khi thực sự đi vào cõi sâu nhất thì trở nên một và tồn tại mãi. Tuy nhiên dù trong ánh sáng chan hòa ân phúc hay trong tình trạng đêm tối chết người mà ai đó thực sự dám phó thác mình vào mầu nhiệm vô đáy một cách vô điều kiện, một mầu nhiệm giải thoát người ấy khỏi đêm tối của chính mình, và nhờ thế nảy sinh một tình yêu tối hậu, cũng là một tình yêu hy tế, và đồng thời mầu nhiệm ấy là nguyên lý và mục đích của mọi thực tại và mọi con người, thì lúc đó từ trong bóng tối tử thần, kẻ yêu mến đến liều mình ấy đã đạt đến cảnh vực sâu nhất của mọi thực tại và cận kề tất cả sinh linh. Đức Giê-su yêu tất cả, yêu tôi, vì Ngài hoàn toàn quên chính mình và vì thế từ phương thế bất khả thấu của mọi thực tại, mà chúng ta gọi là Thiên Chúa, từ tất cả những điều ấy và thậm chí trong cả cái chết của tôi nữa, Ngài hoàn toàn cận kề.
Tôi có thể yêu mến Chúa Giê-su không? Hay đó chỉ là một tình yêu lập dị, một ý thức hệ thiếu thực tế, một thứ nội quan thuần túy mang lòng đạo bình dân, hay là một thứ tình yêu bù trừ; thái độ ấy hình thành trong ta vì ta thấy mình có lỗi, nặng nợ với một con người cụ thể rõ ràng nào đó, những người mà ta phải gặp gỡ bằng xương bằng thịt mỗi ngày? Ta có thể tìm thấy câu trả lời này trong chương 25 Tin mừng Mat-thêu và thư thứ nhất của thánh Gioan: Theo các sách ấy, người ta chỉ có thể yêu mến Chúa Giê-su và Thiên Chúa thật, khi người ta thực sự yêu mến anh chị em mình. Khi ta yêu người thân cận mà không tính toán thiệt hơn và chấp nhận mọi nguy cơ, thì một tình yêu như thế, dù trong lòng hay diễn tả ra ngoài, đã là một đột phá đi vào thực tại bên kia, nơi Thiên Chúa và con người kết hợp mật thiết, nơi mà Thiên Chúa sẽ bảo đảm cho khả năng yêu, khả năng chịu đựng và là bảo đảm đầy ân phúc cho mọi nỗi nhọc nhằn, nguy nan của tình yêu con người. Thiên Chúa sẽ không để xảy ra cái nguy cơ thất bại cuối cùng nào trong tình yêu của con người, và con người, trong sự thống nhất ấy, sẽ có khả năng yêu mến Thiên Chúa nơi một anh em đồng loại. Sự thống nhất giữa hai mặt của tình yêu ấy có tên là vị Chúa-Người Giê-su Ki-tô. Một tình yêu tha nhân mà không hề để ý đến khả năng tự vệ trước nguy cơ vô lý của người khác dành cho mình thì hệ tại ở chỗ: nó sẽ đi vào cái nguy cơ tận căn nhất ấy của nó, giống như bước đột phá đi vào tình yêu của vị Chúa-Người, cho dù người đó đó có thật sự ý thức nó hay không. Tuy nhiên, ai là Ki-tô hữu thì đã biết điều đó. Khi anh ta ra sức yêu mến anh chị em mình thực sự thì anh ta có quyền hy vọng, rằng Giê-su sẽ yêu anh ta và tình yêu này, trong khi mang dáng dấp của cầu nguyện và hy vọng, và bằng những phương tiện rất cụ thể, sẽ tự trình bày chính mình.
Khi chiêm ngắm Đấng chịu đóng đinh bằng thái độ yêu thương, người tín hữu sẽ biết rằng: ở giữa sự vô nghĩa của những thất vọng, những điều khốn khổ, cảm giác tội lỗi và ám ảnh bởi cái chết của tôi, thì tôi được bao bọc bởi một tình yêu từ thuở đời đời. Nhờ tình yêu bao bọc tôi ấy, tôi được giải thoát trở nên tự do, để biết yêu mến Thiên Chúa và con người.
Chuyển dịch: Giuse Bùi Quang Minh, S.J.